Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

10 trực thăng vận tải 'hoành tráng' nhất trong lịch sử

 |

Thời kỳ hoàng kim của trực thăng vận tải bắt đầu tại nước Nga từ những năm đầu của chiến tranh lạnh.

Sau đây là danh sách 10 máy bay trực thăng lớn nhất trong lịch sử, những quái vật của bầu trời với tải trọng lên tới hơn 10 tấn. Chúng ta sẽ đi từ máy bay có tải trọng từ thấp đến cao nhất.
10. Boeing Vertol CH–46 Sea Knight
 
CH-46 Sea Kight là mẫu trực thăng vận tải – chiến đấu hạng trung được lựa chọn trong cuộc thi thiết kế của hải quân Mỹ từ năm 1961. Tới năm 1964, chiếc Sea Knight đầu tiên được trang bị cho hải quân Mỹ và sau đó được sử dụng nhiều trong chiến tranh Việt Nam.
Dựa vào thiết kế hai động cơ, Sea Knight có điểm mạnh là khả năng điều khiển và sự bền bỉ khi hoạt động trong điều kiện gió bão lớn. Được trang bị hai động cơ General Electric T–58–GE–16, với công suất là 1.400 kW (tương đương 1870 mã lực), đường kính cánh quạt là 16 m, Boeing Vertol CH–46 Sea Knight có trọng lượng cất cánh tối đa là 11.00 kg, chiếm vị trí thứ 10 trong danh sách.
9. Aerospatiale SA 321 Super Frelon
 
Đây là chiếc trực thăng của Pháp duy nhất nằm trong bảng xếp hạng. SA 321 Super Frelon có ba động cơ phản lực Turbomeca Turmo IIIC với công suất 3 x 1.171 kW (3 x 1.570 sức ngựa), trọng lượng cất cánh tối đa là 13.000 kg. Chiều dài của Super Frelon là 23,03 m và đường kính cánh quạt là 18,9 m.
 
8. Sikorsky CH–54 Tarhe
 
Được đặt theo tên một tù trưởng Anh-điêng cao lớn, Sikorsky CH-54 Tarhe có chuyến bay đầu tiên vào năm 1962, và sau đó được chế tạo cho quân đội Mỹ. CH–54 được thiết kế để thay thế cho CH–47 Chinook có tải trọng thấp hơn.
Chiếc lồng gắn ở thân của CH–54 rất đa năng, được sử dụng như phòng chỉ huy di động, xưởng sửa chữa và bảo trì khí tài quân sự hoặc bệnh viện quân sự di động. Ngoài ra, CH–54 còn được sử dụng cho các mục đích dân sự.
 
CH–54 Tarhe có 2 động cơ phản lực Pratt&Whitney T73–P–700, với công suất 2 x 3.580 kW (tương đương 2 x 4.800 mã lực (chiều dài là 26,97 m và đường kính cánh là 21,95 m), chiếc trực thăng đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng có trọng lượng cất cánh tối đa là 21.000 kg.
7. Boeing CH–47D Chinook
 
Là một trong những trực thăng phổ biến nhất, Chinook có thể thực hiện rất nhiều nhiệm vụ từ vận chuyển binh lính, pháo, đạn dược, nhiên liệu, khí tài quân sự trên chiến trường tới cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, chữa cháy, chuyên chở hàng hóa cũng như xây dựng dân sự.
Tháng 8/1962, CH–47A được đưa vào phục vụ trong quân đội Mỹ, mẫu đầu tiên có trọng lượng cất cánh là 14.969 kg. Được đánh giá là trực thăng vận tải hiệu quả và đáng tin cậy nhất, mẫu Chinook cải tiến có trọng lượng cất cánh là 22.680 kg.
 
Nhờ vào hệ thống móc néo ba chạc đặc biệt, Chinook có thể vận chuyển nhiều thiết bị cồng kềnh và nặng nề cùng một lúc. Ví dụ: Chinook có thể vận chuyển pháo 155mm ở vận tốc 260 km/h một cách dễ dàng.
Dài 30,1 m, đường kính cánh quạt 18,3 m, trọng lượng không tải của CH–47D là 10.183 kg, nó có khả năng vận chuyển tải nặng 12.700 kg hoặc 33 – 55 binh lính (không kể phi công, phụ lái và kỹ sư máy). CH–47D có hai động cơ Lycoming T55–GA–712 với công suất 2 x 2.796 kW (tương đương 2 x 3.750 mã lực).
6. Bell – Boeing V–22 Osprey
Không phải là một chiếc trực thăng thông thường, Osprey cất và hạ cánh như một máy bay lên thẳng, nhưng di chuyển giống như máy bay thông thường. Vỏ động cơ đặc biệt giúp Osprey có khả năng di chuyển với tốc độ và độ cao lớn.
 
Theo hãng Bell – Boeing, V–22 Osprey có thể chuyên chở 24 binh lính, hoặc 9.072 kg cùng với 6.804 kg ở khoang chứa ngoài, di chuyển với tốc độ gấp hơn hai lần so với các trực thăng thông thường. Hệ thống lái liên động có thê điều khiển một động cơ quay cả hai cánh quạt, khi động cơ còn lại gặp sự cố.
 
V–22 Osprey có hai động cơ phản lực Rolls – Royce Allison T406/AE 1107C–Liberty, mỗi chiếc có công suất 4.590 kW (tương đương 6.150 mã lực), đường kính cánh quạt là 11,6 m và tổng chiều dài 17,5 m. Tải trọng của thùng chứa trong và ngoài lần lượt là 9.070 kg và 6.800 kg cho phép máy bay có trọng lượng cất cánh là 27.400 kg.
5. Sikorsky CH–53E Super Stallion
 
Dựa vào mẫu thiết kế của CH–53 Sea Stallion, phiên bản Super Stallion hiện đang là máy bay trực thăng lớn nhất của quân đội Mỹ, với tải trọng khoang chứa trong và ngoài là 13.600 kg và 14.500 kg.
Super Stallion là máy bay lên thẳng duy nhất có khả năng mang cả tiểu đội pháo 155mm (bao gồm pháo, đạn dược cùng binh lính).
 
Được trang bị ba động cơ phản lực General Electric T64–GE–416/416A với công suất 3 x 3.270 kW (tương đương với 3 x 4.380 mã lực), Super Stallion dài 30,2 m, đường kính cánh quạt là 24 m, có trọng lượng cất cánh tối đa là 33.300 kg.
4. Mil Mi – 6
 
Mặc dù có tuổi đời hơn 50 năm, trực thăng vận tải Mi–6 vẫn dễ dàng chiếm vị trí thứ tư trong danh sách.
Được NATO gọi với tên “Hook”, Mi–6 được đưa vào sản xuất từ năm 1960, khoảng 860 chiếc đã được chế tạo tính tới năm 1981. Mi–6 là trực thăng lớn nhất thế giới lúc đó, và là trực thăng sử dụng động cơ phản lực đầu tiên của Liên Xô.
Năm 1961, Mi–6 giành giải thưởng Sikorsky và là trực thăng đầu tiên bay với tốc độ hơn 300 km/h.
Mi-6 có thể chở tới 90 người.
Với 2 động cơ phản lực Soloviev D-25V có công suất 8.200 kW (tương đương 11.000 mã lực), đường kính cánh quạt là 35 m, tổng chiều dài 33.18 m, Mi–6 có trọng lượng cất cánh tối đa là 42.500 kg và có khả năng chuyên trở 70 lính dù hoặc 90 hành khách.
3. Mil Mi–10
 
Được phát triển từ năm 1962 dựa trên mẫu Mi–6, Mi–10 có trọng lượng cất cánh tối đa là 43.700 kg. Sử dụng cùng động cơ, hệ thống truyền động và thủy lực, cánh quạt với Mi–6, nhưng thiết kế của Mi–10 đã loại bỏ thân máy bay vốn chủ yếu sử dụng để chuyên chở binh lính và hành khách, có thêm thùng xăng phụ, bốn bánh trải rộng và các đường rãnh lớn để chuyên chở được các thùng hàng cồng kềnh và nặng nề hơn. Mil–10 được khối quân sự NATO đặt biệt danh “Harke”.
 
2. Mil Mi–26
Mặc dù không là trực thăng lớn nhất trong lịch sử, Mi–26 (tên gọi do NATO đặt là “Halo”) chiếm vị trí trực thăng sử dụng động cơ phản lực trục to nhất và tải trọng lớn nhất đã từng được đưa vào sản xuất.
 
Được giới thiệu vào năm 1983 và vẫn được chế tạo, Mi–26 sử dụng hai động cơ Lotarev D–136 với tổng công suất là 16.760 kW (tương đương 22.840 sức ngựa) và có trọng lượng cất cánh tối đa là 56.000 kg. Ngoài ra, nó có thể vận chuyển khối lượng hàng hóa nặng 20.000 kg trong phạm vi 800 km.
 
Phi đội lái của Mi–26 gồm có 4 phi công: lái chính, phụ lái, hoa tiêu và kỹ sư máy. Kính của buồng lái được làm lồi ra để tăng tầm nhìn. Buồng lái được điều áp. Ngoài ra, có 3 camera chuyên dụng được lắp đặt để quan sát các thùng hàng hóa.
1. Mil Mi–12
 
Chiếm vị trí quán quân trong bảng xếp hạng những máy bay trực thăng vận tải lớn nhất chính là Mi–12 do Nga (trước đây là Liên Xô) chế tạo.
Mặc dù chưa bao giờ được đưa vào sản xuất nhưng 2 nguyên mẫu Mi–12 đã được chế tạo và được bay thử vào năm 1968. Mi–12 có lần ra mắt đầu tiên tại triển lãm hàng không Paris năm 1971.
Được đặt biệt danh “Homer”, Mi-12 sử dụng hai cánh quạt, 4 động cơ Soloviev D–25 VF với tổng công suất là 16.500 kW (hoặc 22.000 mã lực).
 
Mi-12 không được đưa vào sản xuất mà chỉ có mẫu thử nghiệm.
Với chiều dài là 37 m, đường kính cánh quạt 35 m, Mi–12 có trọng lượng cất cánh tối đa là 105.000 kg và tải trọng 44.205 kg.

“Mắt thần” cảnh giới bắt 120 máy bay của Việt Nam

 |

Phòng không Việt Nam đã được trang bị hệ thống radar cảnh giới hiện đạicó khả năng bám bắt 120 mục tiêu trên không (máy bay), cự ly xa 350km.

Radar cảnh giới là thành phần quan trọng trong “mạng lưới mắt thần” của mỗi quốc gia trên thế giới. Nó đảm nhiệm vai trò phát hiện sớm các cuộc tấn công đường không để báo động cho các lực lượng bảo vệ vùng trời sẵn sàng chiến đấu.
Mạng lưới radar cảnh giới Việt Nam được trang bị chủ yếu các loại khí tài do Liên Xô sản xuất như loại P-18, P-35, P-14. Các loại này tuy vẫn còn hữu dụng nhưng do sản xuất theo công nghệ những năm 1960-1970 nên không tránh khỏi tồn tại nhược điểm nhất định.
Đài radar cảnh giới P-18 (Liên Xô sản xuất) canh trời Trường Sa.
Vì thế, nhằm tăng cường khả năng cảnh giới, báo động sớm cho lực lượng phòng không trong tình hình mới, Việt Nam đã ký thỏa thuận với Belarus mua một vài hệ thống radar cảnh giới tầm xa hiện đại Vostock E.
Hệ thống radar di động kỹ thuật số Vostock E do Cục thiết kế Agat/KB Radar (Belarus) nghiên cứu thiết kế để phát hiện mọi mục tiêu trên không ở tầm xa với độ chính xác cao.
Hệ thống Vostock E thường gồm: xe mang anten thu – phát; trạm điều khiển tự động từ xa và máy phát điện diesel.
Trạm điều khiển tự động có thể triển khai cách xe anten và thiết bị tới 500m. Để bảo vệ radar khỏi các tên lửa tầm nhiệt, máy phát điện có thể đặt cách radar tới 50m.
Toàn bộ hệ thống được đặt trên khung gầm xe tải chuyên dụng MZKT 65273-020 bánh lốp nên có khả năng cơ động rất cao. Radar có thời gian triển khai và thu hồi chưa đầy 6 phút với kíp chiến đấu chỉ có 2 người.
Radar có thể phát hiện các máy bay chiến đấu ở cự ly 350km trong môi trường không nhiễu điện tử và bám cùng lúc không dưới 120  mục tiêu. Một hệ thống bản đồ số cho phép radar hoạt động thuận tiện, hiển thị các tham số về mục tiêu.
Đặc biệt nhất, theo thông số kỹ thuật do nhà sản xuất cung cấp Vostock E có khả năng phát hiện máy bay tàng hình ở cự ly 72km trong môi trường bị đối phương gây nhiễu điện tử mạnh.
Xe mang anten thu - phát sóng của hệ thống radar cảnh giới hiện đại Vostock E.
Với những khả năng này, Vostock E kết hợp với đài trinh sát điện từ thụ động Kolchuga đảm bảo tốt khả năng “tóm gọn” máy bay tàng hình tối tân trên thế giới.
Ngoài ra, Vostock E có thể dễ dàng được tích hợp với các hệ thống thông tin tình báo chỉ huy C3I (C4I) nhờ hệ thống truyền dữ liệu số.
Theo một số nguồn tin, sau khi nhập khẩu Vostock E từ Belarus, Việt Nam đã có một số cải tiến nhỏ nhằm phù hợp với điều kiện sử dụng tại nước ta. Những thông tin chi tiết việc cải tiến không được công bố nhưng được cho là có đặc tính vượt trội so với nguyên bản.
Với Vostock E, khả năng cảnh giới, báo động sớm của lực lượng phòng không Việt Nam đã được nâng cao đáng kể, đảm bảo “không để tổ quốc bị bất ngờ”.

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Phi đội trực thăng hùng mạnh nhất ĐNÁ của Việt Nam

 |

Ít ai biết rằng, Việt Nam là quốc gia sở hữu phi đội trực thăng EC-225 thuộc hàng "khủng" nhất Đông Nam Á hiện nay.

Đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới, quân đội nhân dân Việt Nam cụ thể là hải quân đã được đầu tư trang bị loại máy bay trực thăng vận tải đa năng EC-225 Super Puma Mk II+, hiện đại bậc nhất thế giới.
EC-225 Super Puma Mk II+ là trực thăng vận tải đa năng tầm xa do tập đoàn Eurocopter phát triển dựa trên trực thăng AS-332L2 Super Puma với nhiều cải tiến. Trực thăng được thiết kế với cánh quạt chính 5 cánh lá với khả năng chống rung độc đáo.
Phi đội trực thăng hùng mạnh nhất ĐNÁ của Việt Nam
Trực thăng EC-225 Super Puma MKII+ của Hải quân Việt Nam. Thông số kỹ thuật: dài 19,5 mét, cao 4,97 mét, trọng lượng rỗng 5,25 tấn, trọng lượng đầy tải 11 tấn, tốc độ tối đa 275 km/h, tốc độ hành trình 260 km/h.
Trực thăng được trang bị 2 động cơ Turbomeca Makila 2A1với hệ thống kiểm soát kỹ thuật số công suất 2382 mã lực/chiếc cùng hệ thống chống đóng băng khi hoạt động tại các khu vực giá lạnh. Hộp số mới tốt hơn buồng lái nhà kính hiện đại và được trang bị các màn hình hiển thị đa chức năng.
EC-225 được thiết kế với 4 cấu hình khác nhau, cấu hình vận chuyển hành khách cơ bản được thiết kế với 19 chỗ, cấu hình vận chuyển mật độ cao có thể chở 24 khách. Cấu hình VIP được thiết kế với 8 chỗ ngồi cùng một cabin cho tiếp viên.
Phi đội trực thăng hùng mạnh nhất ĐNÁ của Việt Nam
Phi đội 4 chiếc EC-225 của Hải quân Việt Nam đang bay huấn luyện tại Vũng Tàu.
Cấu hình dịch vụ y tế khẩn cấp được thiết kế với 6 cáng và 4 chổ ngồi cho nhân viên y tế. Cấu hình tìm kiếm cứu nạn SAR với 8 chỗ ngồi và 3 cáng cùng một chổ ngồi điều hành. Ngoài ra cấu hình SAR còn được trang bị thêm hệ thống radar giám sát thời tiết cùng hệ thống quan sát quang - hồng ngoại FLIR do đó biến thể này có thể hoạt động như một trực thăng trinh sát.
EC-225 Super Puma MKII+ có chuyến bay đầu tiên vào ngày 27/11/2000. Trực thăng được cấp giấy chứng nhận an toàn của Cơ quan An toàn hàng không châu Âu vào năm 2004. Một trong những điểm mạnh của EC-225 là có tiêu chuẩn an toàn bay rất cao, đặc biệt là khả năng hoạt động trên biển cực tốt.
Ngoài ra, điểm mạnh khác của EC-225 là tầm hoạt động rất xa, trực thăng này có phạm vi hoạt động tới 857 km, trong khi đó Mi-171 của Nga chỉ có tầm hoạt động 465 km, UH-60 Black Hawk có tầm hoạt động 592 km.
EC-225 là loại trực thăng hiếm hoi của Việt Nam có thể bay một mạch đến quần đảo Trường Sa mà không cần thùng nhiên liệu phụ.
Phi đội trực thăng hùng mạnh nhất ĐNÁ của Việt Nam
Trực thăng EC-225 có buồng lái được trang bị các hệ thống điện tử cực kỳ hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu.
Những điểm mạnh trên chính là lý do mà EC-225 Super Puma MKII+ được lựa chọn trang bị cho Hải quân nhân dân Việt Nam.
Ngày 25/12/2011, Quân chủng Hải quân đã tiến hành tiếp nhận trực thăng EC-225 và công bố quyết định thành lập phi đội trực thăng EC-225.
Việc thành lập phi đội trực thăng EC-225 là một cột mốc quan trọng trong việc hình thành không quân - hải quân một lĩnh vực mà trước đó, Hải quân nhân dân Việt Nam không có được.
Trực thăng EC-225 cùng với máy bay tuần tra hàng hải DHC-6 tương lai không loại trừ có cả sát thủ săn ngầm P-3C Orion sẽ cho phép Hải quân Việt Nam xây dựng một lực lượng không quân hải quân hùng mạnh góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc.