Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Ngô Quyền

Ngô Quyền (chữ Hán: 吳權; 898 – 944) là một vị tướng và sau này là vua Việt Nam, là người sáng lập ra nhà Ngô. Năm 938 ông cầm quân đánh tan quân xâm lược Nam Hán tại sông Bạch Đằng, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc của Việt Nam.

Ngô Quyền sinh năm 898, mất năm 944 quê ở Đường Lâm, (Sơn Tây, Hà Nội ngày nay). Ông là con trai của quan mục Đường Lâm là Ngô Mân, sau trở thành bộ tướng và con rể của Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân Dương Đình Nghệ (931 - 937), được giao cai quản Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay).

Từ năm 907 ở Trung Hoa, nhà Đường mất, lần lượt nổi lên là các nhà Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu tranh nhau làm vua. Mỗi nhà được mấy năm, gồm tất cả là 52 năm, gọi là đời Ngũ Quí hay là Ngũ đại.

Năm 911, Lưu Cung làm Nam Bình Vương do nhà Hậu Lương phong cho, kiêm chức Tiết độ sứ Quảng Châu và Tĩnh Hải, có ý để lấy lại Giao Châu. Được ít lâu nhân có việc bất bình với nhà Hậu Lương, Lưu Cung tự xưng đế, quốc hiệu là Đại Việt. Đến năm Đinh Sửu (917) cải quốc hiệu là Nam Hán.

Năm Quí Mùi (923)[1] Lưu Cung sai tướng là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh bắt được Khúc Thừa Mỹ (khi đó chấp nhận làm Tiết độ sứ của nhà Hậu Lương tại Giao Châu mà không thần phục nhà Nam Hán), rồi sai Lý Tiến sang làm thứ sử cùng với Lý Khắc Chính giữ Giao Châu.

Năm Tân Mão (931) Dương Đình Nghệ là tướng của Khúc Hạo ngày trước (cha của Khúc Thừa Mỹ) nổi lên, mộ quân đánh đuổi bọn Lý Khắc Chính và Lý Tiến đi, rồi tự xưng làm Tiết độ sứ. Được gần 7 năm, Dương Đình Nghệ bị nha tướng là Kiều Công Tiễn giết hại để cướp quyền.

Trong thời gian cai quản Ái Châu, ông đã đem lại yên vui cho đất Ái Châu, tỏ rõ là người có tài đức.

Năm 938, ông tập hợp lực lượng hào kiệt trong nước tiến ra bắc, hạ thành Đại La, tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Sau đó, ông chỉ huy trận Bạch Đằng nổi tiếng, đánh bại quân Nam Hán do Hoằng Thao (có sách viết là Hoằng Tháo) chỉ huy, giết chết Hoằng Thao.

Mùa xuân năm 939, ông xưng là Ngô Vương (tức là Tiền Ngô Vương), đóng đô ở Cổ Loa (thuộc thành phố Hà Nội ngày nay). Tuy chỉ xưng Vương nhưng ông có thể coi là người có công lớn trong việc giành được độc lập cho đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc.

Năm 944, ông qua đời, thọ 47 tuổi. Sử sách gọi ông là Tiền Ngô Vương. Sách Thiền Uyển Tập Anh gọi ông là Ngô Thuận Đế, có lẽ chỉ là cách tôn lên vì đương thời ông chưa từng xưng đế.

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại. Ngô Quyền kéo quân ra thành Đại La nhằm tiêu diệt Công Tiễn. Do lo sợ bị tiêu diệt, Kiều Công Tiễn đã cầu cứu nước Nam Hán. Vua Nam Hán lúc bấy giờ là Lưu Cung cho con trai là Vạn Vương Lưu Hoằng Tháo kéo quân theo đường thủy sang giúp (thực chất là nhân cơ hội chiếm lấy Giao Châu một lần nữa). Do đó, sau khi giết được Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền chuẩn bị lực lượng để đối phó với sự xâm lăng của quân Nam Hán bằng cách bố trí một trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng, con đường mà Lưu Hoằng Tháo dùng để tiến vào Giao Châu.

Về thời gian của trận Bạch Đằng, sử sách đều chép không thống nhất: Đại Việt sử kí toàn thư chép là tháng 10 (âm lịch), Đại Việt sử lược chép là tháng 12 (âm lịch), còn Khâm định Việt sử Thông giám cương mục lại chép là tháng 9 (âm lịch).

Đại Việt sử kí toàn thư còn ghi lại được lời nói của Ngô Quyền về kế hoạch kháng chiến bằng cách đóng cọc dưới lòng sông :

Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo tướng tá rằng :

_Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại được tin Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi; quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt tất phá được. Song họ có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của họ nhân khi nước triều lên, tiền vào bên trọng hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hơn kế ấy cả.''

Vào một ngày cuối đông năm 938, trên sông Bạch Đằng, cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán đã diễn ra ác liệt và kết thúc rất nhanh gọn. Đoàn binh thuyền cồng kềnh của Lưu Hoằng Tháo vừa tiến vào cửa sông Bạch Đằng đã bị một nhóm nhỏ thuyền quân Ngô ra nhử, vừa đánh vừa rút. Quân Hán hăng hái đuổi theo, vượt qua hàng cọc ngầm mà không hay biết. Đợi đến khi thủy triều xuống, Ngô Quyền mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh, quân sĩ đều "liều chết mà đánh" (Đại Việt sử kí toàn thư) rất dữ dội. Quân Nam Hán không kịp chỉnh đốn đội hình, lại gặp lúc nước triều rút mạnh, thuyền lớn bị va vào cọc, vỡ tan tành. Quân Hán chết đuối rất nhiều, số còn lại hầu hết đều bị quân Ngô đánh bắt. Hoằng Tháo cũng bị bắt và giết. Vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Ông ta kinh hoàng khủng khiếp, đành "thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui" (Đại Việt sử ký toàn thư). Về nước, vua Hán cho rằng tên mình là Cung số xấu, đổi lại thành Yểm. Từ đó nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược Giao Châu.
[sửa] Ý nghĩa lịch sử

Chiến thắng Bạch Đằng có thể coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Phải đặt trong bối cảnh Bắc thuộc kéo dài sau 1117 năm (179 TCN - 938) mới thấy hết ý nghĩa lịch sử vĩ đại của nó.

Hơn thế nữa, trong hơn 1000 năm Bắc thuộc đó, kẻ thù của dân tộc Việt là một đế chế lớn mạnh bậc nhất ở phương Đông với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đang lúc phát triển cao độ, nhất là dưới thời Hán, Đường. Tiếp tục công cuộc bành trướng của Tần Thủy Hoàng, nhà Hán đã chinh phục Bắc Triều Tiên chiếm đất đai các bộ lạc dụ mục phía Bắc, mở rộng lãnh thổ về phía Trung Á, xâm lược các nước Hạ Lang, Điền ở Tây Nam. Đầu thế kỷ thứ 7, nhà Tùy bành trướng mạnh về phía Đông, chinh phục Triều Tiên, Lưu Cầu, Đài Loan, Giao Châu, Lâm Ấp, Tây Đồ Quốc..., nhà Đường mở rộng bành trướng về mọi phía, lập thành một đế chế bao la như Đường Thái Tông đã từng tuyên bố: "Ta đã chinh phục được hơn 200 vương quốc, dẹp yên bốn bề, bọn Di Man ở cõi xa cũng lần lượt về quy phục" (theo Đường thư).

Từ đầu Công nguyên, dân số của đế chế Hán đã lên đến 57 triệu người. Thời gian đó, dân số của Việt Nam chỉ độ một triệu. Sau khi chiếm được Việt Nam, mưu đồ của nhà Hán không phải chỉ dừng lại ở chỗ thủ tiêu chủ quyền quốc gia, bóc lột nhân dân, vơ vét của cải, mà còn tiến tới đồng hóa vĩnh viễn dân tộc Việt, sát nhập đất đai vào Trung Quốc. Chính sách đồng hóa là một đặc trưng nổi bật của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, đã được thực hiện từ thời Hán và đẩy mạnh tới nhà Đường. Trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam, đây là một trong những thời kỳ vận mạng dân tộc trải qua một thử thách cực kỳ hiểm nghèo.

Ngô Quyền - người anh hùng của chiến thắng Bạch Đằng năm 938 - xứng đáng với danh hiệu là "vị tổ trung hưng" của dân tộc như Phan Bội Châu lần đầu tiên đã nêu lên trong Việt Nam quốc sử khảo.

Sau chiến thắng Bạch Đằng, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Đó là kỷ nguyên của văn minh Đại Việt, của văn hóa Thăng Long, kỷ nguyên phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, một kỷ nguyên rực rỡ của các nhà Lý, Trần, Lê. Nhà sử học Ngô Thì Sĩ đã đánh giá: "Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu" (Việt sử tiêu án).

Ngoài Dương hậu, giai thoại dân gian ghi nhận Tiền Ngô vương còn có một người vợ họ Đỗ, ở Dục Tú, Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Bà họ Đỗ không có con cái.

Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, con cả Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập, trước khi sinh ra Ngô Xương Xí đã sinh ra Ngô Xương Tỷ (Khuông Việt đại sư) năm 933. Đây là người cháu lớn nhất của Ngô Vương. Từ khoảng cách năm sinh giữa Ngô Quyền (898) và cháu nội Xương Tỷ cùng việc Xương Ngập có dự trận Bạch Đằng năm 938, có thể suy đoán Xương Ngập sinh khoảng năm 915, trước khi Ngô Quyền gặp Dương hậu - con Dương Đình Nghệ. Do đó Xương Ngập là con một người vợ cả của Ngô Quyền, có thể đã mất sớm và không được sử sách nhắc tới.

Sử sách ghi Tiền Ngô vương còn có 2 người con trai nữa là Ngô Nam Hưng và Ngô Càn Hưng. Phả hệ họ Ngô Việt Nam chỉ nhắc tới con cháu của Xương Ngập và Xương Văn mà không nhắc tới con cháu của Nam Hưng và Càn Hưng. Những căn cứ trên cho thấy: Tiền Ngô Vương có 3 người vợ và 4 người con trai. Xương Ngập là con một người vợ đầu (chưa rõ tên tuổi) mất sớm; Xương Văn, Nam Hưng, Càn Hưng đều là con Dương hậu; bà Đỗ thị không có con.

Các nhà sử học Việt Nam thời phong kiến như Lê Văn Hưu (tác giả cuốn Đại Việt sử ký), Phan Phu Tiên (tác giả cuốn Đại Việt sử ký tục biên), Ngô Sĩ Liên đánh giá rất cao công trạng của Ngô Quyền. Trong Đại Việt sử ký toàn thư bản Ngoại kỷ, quyển 5 của Ngô Sĩ Liên đã chép lại lời bình của Lê Văn Hưu về ông như sau:

Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân[3] của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.

Loạn "Ngũ Đại Thập Quốc" ở phương bắc kéo dài hơn nửa thế kỷ là cơ hội lớn cho Việt Nam thoát khỏi tay phong kiến Trung Hoa. Trung Quốc chia năm xẻ bảy, không đủ sức mạnh duy trì chiến tranh thường trực, tổng lực với phương nam. Trước Ngô Quyền, dù các chính quyền họ Khúc, họ Dương đã xây dựng nền tự chủ nhưng trên danh nghĩa, chức Tiết độ sứ vẫn bao hàm nghĩa là một phiên trấn của "thiên triều" phương bắc, dù không thuộc về Nam Hán liền kề nhưng vẫn "nằm trong tay" của "Ngũ Quý" ở Trung nguyên (nhà Hậu Lương 907-923, nhà Hậu Đường 923-936, nhà Hậu Tấn từ 936).

Thất bại lần thứ hai ở Việt Nam khiến Nam Hán phải bỏ hẳn ý định xâm chiếm, khẳng định sức mạnh của "Tĩnh Hải quân" không sút kém so với các chư hầu trong "Thập quốc" lúc đó. Sau trận Bạch Đằng, Ngô Quyền tự mình xưng vương hiệu, thành lập hẳn một triều đại, có triều đình, quan chức, chính thức xác lập nền độc lập của Việt Nam. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Việt Nam mà sau này các nhà sử học vẫn gọi ông là "ông tổ phục hưng" cho nền độc lập tự chủ.

Điều kiện khách quan chưa cho phép ông xưng đế và đặt quốc hiệu như hơn 20 năm sau Đinh Tiên Hoàng làm. Chỉ xưng vương cũng là một cách làm khôn khéo, "biết mình biết người" của Ngô Quyền; giống như trước đây Khúc Hạo đã không xưng vương để giữ yên bờ cõi vừa vuột khỏi tay người Bắc, Ngô Quyền không xưng đế khi chưa đủ "thế" và "lực". Kinh nghiệm của những người đi trước và những tấm gương tày liếp của các triều đại phương Bắc thay đổi xoành xoạch lúc đó, sớm dựng chiều đổ khiến ông có sự thận trọng cần thiết. Trong hơn 10 nhà cai trị Việt Nam thế kỷ 10, ông cùng Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành là những người được nhắc tới nhiều nhất.